FPT X FLASH ĐÃ TRỞ LẠI SÂN KHẤU NHƯ THẾ NÀO?(phần 3)
AOV27-04 13:10

Phần 3 – Hai trái tim, một chiến thắng


Khi HuyHoang trả lại đường giữa cho Maris và chuyển lên đường trên, cùng những màn thể hiện ấn tượng trong rank được đăng tải ngập tràn trên TikTok, nhiều người đã nghĩ Hoàng sẽ là người đánh chính, còn Bear sẽ ngồi dự bị, thậm chí có thể là không lên booth thi đấu như Xuân Bách ở mùa Xuân 2024. Những suy nghĩ đó không phải là không có cơ sở - Bear năm nay 24 tuổi, một ngưỡng có thể nói là đang ở rất gần với bên kia sườn dốc sự nghiệp, và trong thời đại top laner toàn các vị võ công cao cường, biết múa Flo, biết cân 4 cân 5 một tay xoay chuyển thế trận, vừa giỏi farm vàng vừa biết bán đồ, thì phong cách của một người cần ít tài nguyên và hay chọn những bụi cây biết nói để tiến ra mở giao tranh trước như Bear dường như không hợp với meta này.


JinWoo nghĩ khác, anh chọn xoay tua giữa Bear và HuyHoang, cứ 2 ván, hoặc 3 ván là sự thay đổi lại diễn ra ở đường trên – một sự mới lạ chúng ta ít khi được thấy ở Đấu Trường Danh Vọng. Flash 2019 đã từng có sự xoay tua giữa Gấu - Đạt Kòi – Elly, nhưng sự thay đổi được diễn ra theo mỗi trận đấu chứ không phải là mỗi ván đấu – và có một điều đáng chú ý là kể từ sau trận chung kết ĐTDV Mùa Xuân 2019 – nơi Elly di chuyển ra, Đạt Kòi không còn thi đấu trong bất kỳ trận chung kết tổng nào mà Flash góp mặt. Flash tạo điều kiện cho Đạt Kòi ra sân, nhưng ở những ván đấu quyết định nhất và quan trọng nhất - bộ khung Gấu/ADC/XB/Elly(sau này là Daim)/ProE sẽ luôn được lựa chọn – khác hẳn với Flash 2025, nơi HuyHoang hay Bear đều có thể là người đánh ván chốt hạ trận đấu. Còn nếu xét ở bình diện quốc tế, trong vài năm gần đây chỉ có một vài đội tuyển lựa chọn phong cách xoay tua theo ván đấu như Flash – đó là Talon với Happy và MOOP trong vai trò đi rừng, hay mới đây là Buriram United Esports với bộ đôi jungler Kanashi và PogPog.


Thật thú vị là trước khi nói về câu chuyện chuyên môn, thì lịch sử đang ủng hộ cách xoay tua này. MOOP vào sân ở ván 7 và đi vào lịch sử với pha backdoor giúp Talon chiến thắng Most Outstanding Player để lên ngôi vô địch ở AWC 2021, còn BRU của Kanashi và PogPog thì có top 1 vòng bảng RPL Mùa Xuân 2025 và đang rất rộng cửa trở lại với ngôi vô dịch quốc nội kể từ mùa Hè 2020. Với riêng Flash, họ cũng đã trở lại sân khấu sau 1445 ngày vắng mặt – hóa ra xoay tua như vậy vía cũng đẹp ấy chứ.


Bây giờ thì chúng ta sẽ bước vào câu hỏi chính – tại sao Flash lại xoay tua giữa Bear và HuyHoang, thay vì chọn một trong hai?

Nói về Bear trước đi. Anh có độ ăn ý và sự ổn định được thể hiện xuyên suốt năm 2024. Mùa giải vừa rồi chứng kiến một phong độ cực kỳ bứt phá của Bear với FPT Flash – giải mùa Xuân và APL 2024 chứng kiến sự xuất sắc của Bear khi anh là người chơi ấn tượng nhất của FPT Flash trong những trận đấu quan trọng từ quốc nội cho đến quốc tế, với những con bài đa dạng như Kaine, Triệu Vân, Yena, hay thậm chí là cơn gió lạ Superman đã vắng bóng từ lâu trên đấu trường chuyên nghiệp. Mùa Đông 2024 khi tâm điểm chuyển dần về những tuyển thủ trẻ tuổi như HuyHoang, BeTroc thì Bear vẫn giữ được sự ổn định ở đường trên – không carry mạnh như nửa đầu năm thì Skud, Qi vòng sau mở giao tranh vẫn là thứ khiến nhiều đội tuyển phải e ngại. Đáng nói, chỉ có Bear và Yutan là hai tuyển thủ chơi mọi trận đấu trong năm 2024 cùng FPT Flash – nó cho thấy khả năng thích nghi tốt của Bear dù đối tác xung quanh anh thay đổi thường xuyên. Đó có lẽ là một phần lý do để FPT vẫn cần đến Bear.


HuyHoang thì sao? Chúng ta chưa được chứng kiến quá nhiều trong mùa giải 2024 bởi Hoàng chơi cả đi rừng lẫn đường giữa - những vị trí không có quá nhiều sự liên quan đến bể tướng đường trên, Nhưng nhìn vào một số vị tướng đấu sĩ được HuyHoang mang ra ở vị trí đi rừng như Charlotte, Zuka, Lữ Bố, Ryoma – cũng như thành tích MVP đường rừng ở lượt đi giai đoạn 1, có thể nói Hoàng là một người chơi có sự đột biến, kỹ năng cao, bể tướng rộng, tuy nhiên Hoàng lại phải chơi ngược với xuất phát điểm của mình là đường trên, vì thế tiềm năng của Hoàng chưa được phát huy hết. Đưa Hoàng trở lại làm một top laner và tạo ra sự đột biến là thứ FPT Flash có thể làm, để vừa phù hợp với meta, vừa giúp Hoàng thực sự nâng tầm bản thân ở sở trường đường trên.


Nói về cá nhân rồi, giờ nói về sự giao thoa để JinWoo chọn cả hai.

Đầu tiên, chính sự cạnh tranh này sẽ buộc cả Hoàng và Bear phải nỗ lực hết mình để mở rộng bể tướng của mình ở cả hai mặt carry và tanker - điều có lợi cho Flash cả trong vận hành lẫn ban pick. Bear - người mạnh về mặt mở giao tranh, giấu sight bắt lẻ chủ lực đối phương hoặc là tanker đi đầu chịu sát thương cho đội giờ đây còn đánh cả những tướng carry hoặc thiên về xử lý kỹ năng – Billow, Bolt Baron, Murad. Còn HuyHoang, người mà chúng ta nghĩ là sẽ thiên về chơi những tướng cần nhiều tài nguyên hay có kỹ năng phức tạp – thì trong bể tướng của Hoàng có cả Richter, Qi, Omen hay Skud – Hoàng cũng sẵn sàng đứng lên trước để đối phương dồn hết chiêu vào mình. Cuối cùng, người được lợi nhất là ai? Là cả tập thể Flash, bởi bể tướng càng rộng, thì càng nhiều lựa chọn trong ban pick, đặc biệt là khi tiến đến những loạt BO7.

Thêm nữa, như một nhận xét của BLV Thanh Tùng trong phần costream trận đấu giữa FPT và 1S ở giai đoạn 2, Bear ra sân trước thì HuyHoang sẽ được ngồi ở trong để nghiên cứu lối chơi và phong cách đối thủ - và ngược lại khi HuyHoang ra sân trước. Họ sẽ có thể nắm bắt cách đánh của đối thủ, để xem mình cần đánh và thể hiện như thế nào. Lấy ví dụ trận đấu giữa SGP và FPT ở lượt về giai đoạn 1, 2 ván Hoàng thi đấu là 2 ván Hoàng không thể đánh theo kiểu thắng đường đối thủ - khi cánh của Hoàng chịu rất nhiều áp lực trong cả 2 game đấu, và khi xem cách giao tranh thì Hoàng thường hay bị đến sau các đồng đội - dẫn đến việc Flash có phần bị lép vế do thiếu người trong giao tranh. Khi đưa Bear, một người mạnh hơn về giao tranh, ít cầm tài nguyên và luôn lựa chọn góc núp để mở ra một tình huống tấn công đông người – Flash sẽ có ưu thế nhiều hơn, vì thời điểm đó họ phải dùng kỹ năng và giao tranh để làm điều kiện thắng trước một đối thủ kinh nghiệm như SGP. Còn với 1S – HuyHoang thể hiện hiệu quả hơn bởi cánh của BirdLB quá yếu, nên Hoàng có thể đè đường đối phương, từ đó tạo thế để Flash snowball và chơi theo kiểu win lane win game thay vì sa vào giao tranh. 1S là đội duy nhất tại giải có trên 800 điểm hạ gục và họ đánh combat tổng cực kỳ hiệu quả, nên né giao tranh và kiểm soát, thắng đường chính là thượng sách – và Hoàng làm tốt việc này hơn Bear. Đó là thứ được tích lũy sau thời gian quan sát trực tiếp trận đấu, để khi vào sân, Bear/Hoàng nói riêng và Flash nói chung sẽ lựa chọn cách chơi sao cho phù hợp.


Nhưng như đã nói, bài toán này mới chỉ thành công 80% mà thôi - bởi bộ đôi đường trên của FPT x Flash vẫn chưa thể giải quyết được bài toán mang tên SGP và cá nhân Kuga. 3 trận đấu với Flash là 3 trận đấu Kuga chơi đều từ tròn vai đến hay, đặc biệt là khả năng xử lý kỹ năng - từ con Qi đấm 3 người ở lượt đi giai đoạn 1, Yena đá lính cứu thua ở lượt về giai đoạn 1 hay Ryoma đóng vai trò hỗ trợ ấn tượng với KDA 0/0/6 trong giai đoạn 2. BO7 có thể là sân chơi để Flash có thể thay đổi lối chơi bất cứ lúc nào với 2 top laner sẵn có, nhưng đừng quên tiềm năng của Kuga có thể được đánh thức bất kỳ lúc nào - thứ đã làm những Littleboyz, SRY và NaiLiu phải bất ngờ. Cùng chờ xem những trái tim mà JinWoo tin tưởng có thể đảo ngược thế cờ trong lần thứ 4 FPT và SGP gặp nhau tại mùa giải này hay không.